Thuốc giả đe dọa thế giới

Chia sẻ cho bạn bè :

Thuốc giả đang dần vượt qua ma túy để trở thành “con gà đẻ trứng vàng” đối với các tổ chức tội phạm trên khắp thế giới.




Các nhân viên y tế tiêu hủy số thuốc giả bị tịch thu ở Bắc Kinh (Trung Quốc)


Trong hai ngày 19 - 20.11, tại thủ đô Dublin của Ireland, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã tổ chức diễn đàn nhằm tổng kết lại 10 năm “tuyên chiến” với thuốc giả, vốn đang lan tràn với tốc độ chóng mặt và trở thành mối họa cực lớn đối với sức khỏe cộng đồng.


Báo Tribune de Genève dẫn thông cáo của Interpol cho biết tại nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ, thuốc giả đang chiếm đến hơn 30% thị trường dược phẩm. Thậm chí ở một số quốc gia như Guinea, Nigeria, tỷ lệ này lên đến 60%.


Hiện những tổ chức tội phạm khét tiếng đều xem việc buôn lậu thuốc giả là nguồn thu nhập quan trọng, bên cạnh những hoạt động phi pháp quen thuộc như buôn bán ma túy, làm tiền giả…


Bỏ 1.000 USD, thu lại 500.000 USD


Thuốc giả trở nên hấp dẫn các tổ chức tội phạm vì mang lại lợi nhuận cực kỳ lớn và khung hình phạt dành cho những vi phạm liên quan đến lĩnh vực này cũng nhẹ, đặc biệt nếu so với mức phạt dành cho buôn bán, tàng trữ ma túy…


Tờ Le Figaro dẫn báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp dược phẩm quốc tế (IFPMA) cho biết lợi nhuận từ thuốc giả cao hơn từ 10 - 25 lần so với ma túy. Cụ thể, khi bọn tội phạm bỏ ra 1.000 USD để sản xuất thuốc giả, sẽ mang lại lợi nhuận từ 200.000 - 500.000 USD. Cùng mức “đầu tư” như thế, buôn lậu ma túy và thuốc lá “chỉ” mang về lần lượt 20.000 USD và 43.000 USD.


Còn theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu và phòng chống thuốc giả Pháp (IRCAM), thị trường thuốc giả trên thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, từ 26 tỉ euro/năm 2005 lên 55 tỉ euro/năm 2010, tương đương 10% thị trường dược phẩm chính thống.


Bên cạnh đó, khác với nhiều mặt hàng phi pháp khác, thuốc giả có thể được mua bán rất dễ dàng trên mạng internet: chỉ cần vài cái nhấp chuột, thanh toán nhờ thẻ tín dụng và hàng được chuyển qua bưu điện. Theo Le Figaro, hơn 60% lượng dược phẩm bán trực tuyến trên mạng trong những năm gần đây là hàng giả.


Báo cáo của Ủy ban châu Âu vào năm 2012 cũng cho thấy thuốc giả chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại hàng giả bị hải quan các nước EU phát hiện khi kiểm tra các bưu kiện. Chính vì vậy, chiến dịch chống thuốc giả Pangea VII do Interpol phối hợp với lực lượng an ninh của 110 quốc gia thực hiện hồi tháng 5 vừa qua cũng đặt trọng tâm vào các đường dây bán thuốc giả qua mạng internet.


Với 1.235 cuộc điều tra, chiến dịch này đã giúp thu giữ 9,4 triệu viên/gói thuốc giả (tổng trị giá 36 triệu USD), bắt giữ 237 người, xóa sổ 10.600 website.


Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 75% lượng thuốc giả trên thế giới có xuất xứ Trung Quốc và Ấn Độ. Khi gửi với số lượng lớn, thuốc giả từ 2 nước này sẽ được ngụy trang rất kỹ hoặc được gửi sang một nước trung gian để tránh nguy cơ bị phát hiện.


Hồi tháng 10.2013, khoảng 1 triệu viên thuốc chống trầm cảm Xanax giả xuất xứ Trung Quốc đã bị phát hiện ở sân bay Zurich (Thụy Sĩ). Điểm đến sau cùng của lô hàng này là Ai Cập. Tháng 2.2014, hải quan Pháp cũng phát hiện 2,4 triệu viên thuốc giả trong 2 container “trà” từ Trung Quốc tại cảng Le Havre.


Làm thuốc giả từ... xi măng


Tờ Le Monde dẫn lời chuyên gia Aline Plançon của Interpol nhận định: “Dược phẩm giả đang ngày càng đa dạng và tinh vi hơn vì bọn tội phạm rất nhanh nhạy trong việc “bắt mạch” thị trường. Chẳng hạn năm 2010, chúng tôi đã phát hiện vắc xin ngừa vi rút gây cúm A/H1N1 giả.


Thời điểm đó, mọi người đang rất lo ngại dịch bệnh này”. Các loại thuốc đặc trị ung thư cũng là miếng mồi béo bở của các tổ chức tội phạm vì giá cả ngày càng đắt đỏ, những người thu nhập thấp, lại không có bảo hiểm y tế rất dễ mất cảnh giác khi thấy thuốc cùng loại nhưng giá rẻ quảng cáo “rầm rộ” trên mạng internet.


Điều đáng lo ngại là các tổ chức tội phạm đã không ngại đầu tư công nghệ cao để sản xuất thuốc giả nên nếu không qua xét nghiệm hóa sinh sẽ khó có thể phân biệt được thật giả: thuốc giả nhìn bề ngoài giống hệt thuốc thật, về màu sắc, trọng lượng, bao bì cho đến nhãn cấp phép lưu hành…


Nhưng thay vì dược chất, thuốc giả có thể được làm từ đủ loại nguyên liệu: từ bột mì, đường, bột sữa, đến… chất chống đông, xi măng, bột màu. Bột màu rất thường được dùng để sản xuất những loại thuốc có màu đặc biệt như Viagra (xanh dương). Năm 2009, một loại xi rô trị ho giả làm từ chất chống đông đã làm 84 người tử vong tại Nigeria.


Theo IRCAM, không chỉ chi tiền để trang bị các loại máy móc tối tân cho sản xuất, các tổ chức tội phạm còn tổ chức mạng lưới kinh doanh thuốc giả xuyên biên giới vô cùng bài bản: nghiên cứu thị trường, pháp luật, điều kiện cơ sở hạ tầng của nhiều nước để chọn nơi thích hợp cho sản xuất, phân phối, lập công ty bình phong…


Thuốc giả, hại thật


Theo Le Monde, ngay cả khi thuốc giả được làm từ những nguyên liệu vô hại như bột mì cũng sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ xấu đối với bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nghiêm trọng như tim mạch, ung thư. Ngoài ra, một bệnh nhân không được điều trị đúng mực có thể trở thành trung gian lây lan dịch bệnh, thậm chí tạo ra những “siêu vi khuẩn kháng thuốc”, vốn là mối họa khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới ước tính hằng năm trên thế giới có khoảng 700.000 bệnh nhân bị lao và sốt rét tử vong vì dùng phải thuốc giả.

0 nhận xét on Thuốc giả đe dọa thế giới :

Hãy cho biết ý kiến của bạn. Đừng spam!

Video nổi bật