Khám sức khỏe tiền hôn nhân hiện nay chỉ mới được quy định dưới hình thức “nhà nước khuyến khích”, nhưng chưa thành điều “bắt buộc”, do đó, nhiều người chưa nhận thức, hoặc ý thức được tầm quan trọng của điều này. Từ đây, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra…
Quẩn quanh suy nghĩ: “Nếu rủ nhau đi khám là thiếu tin tưởng ở nhau”
Đấy là suy nghĩ của anh Minh Hùng - kỹ sư xây dựng (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội). Số là anh Hùng sắp lấy vợ, nhưng Lan - vợ sắp cưới của anh - lại không biết nghe ai, lại nằng nặc đòi đưa chồng đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, trước ngày cưới 2 tháng. Vậy là một trận chiến đã nổ ra. Lan thì bảo quan trọng, phải đi bằng được, vì khám rất nhanh, phải cái hơi tốn kém, nhưng “vì “tương lai con em chúng ta”, chịu chơi một tí không là gì!” - Lan dứt khoát! Còn Hùng bảo: Thế ra, Lan không tin anh, sợ anh “không bằng anh bằng em”, sợ anh dân xây dựng “vốn tích tiếng” nên buộc phải đi kiểm tra kẻo lây bệnh… Anh chị mỗi người mỗi ngả suy nghĩ… Chuyện cưới xin, Hùng còn “phán”: Phải xem lại!
Còn với Thu Hà (Phủ Lý, Hà Nam) thì lại khác. Lấy chồng khi tuổi “đầu băm” cập kề nên khi người yêu đề cập chuyện cưới, chị đồng ý ngay tắp lự. Dự định cưới trước kỳ nghỉ 30 tháng 4, nhưng thèm tiếng trẻ con từ lâu, Hà cũng không quan trọng chuyện danh chính ngôn thuận cưới xong mới có em bé, quan trọng hơn, “Chị xem rồi. Bố nó tuổi Dậu, chị tuổi Sửu, phải cố được một chú rắn Quý Tỵ, vừa “vàng”, vừa tam hợp với bố mẹ. Chậm trễ sang năm Giáp Ngọ là xung ngay!” - Hà khẳng định. Nói là làm, ngay khi chồng đề nghị đi khám, kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng, Hà “xẵng” ngay: “Làm sao mà phải tiêm? Đẻ xong tiêm cũng được. “Cơm không ăn gạo hẵng còn”, đi đâu mà vội. Tiêm rồi kiêng cữ mệt lắm, đến lúc “thả ra”, không “dính”, trượt con “rắn vàng” thì hỏng chuyện!”. Chồng Hà té ngửa người vì cô vợ sắp cưới bướng bỉnh, nói lý không nghe, hai người giận nhau mãi…
Theo Thạc sĩ Tâm lý Mã Ngọc Thể - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Tân Trí Việt, hiện nay một số nước trên thế giới, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc bắt buộc, thậm chí, nhiều nơi, để có thể đăng ký kết hôn, đôi bạn trẻ phải có chứng chỉ chứng nhận đã học lớp tiền hôn nhân và khám sức khỏe, nhưng ở Việt Nam, điều này chưa thể phổ biến. Trong khi, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân tạo ra tâm lý thoải mái cho cuộc sống mới của vợ chồng sau đám cưới; có thể phát hiện và điều trị kịp thời một số bệnh ảnh hưởng đến đời sống “chăn gối” hoặc các việc mang thai, sinh đẻ của người phụ nữ. Thậm chí, nếu nghiêm trọng hơn, cô dâu và chú rể không cảm thấy sốc khi tìm ra các căn bệnh của nhau và không có những quyết định đáng tiếc sau khi đã đăng ký kết hôn.
Các chuyên gia sản khoa, tâm lý cũng lý giải nguyên nhân khiến nam giới ái ngại đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Lý do thứ nhất, trong khi vấn đề sức khỏe là một phạm trù rất rộng, thì đàn ông chỉ thường nghĩ rằng “đối phương lo ngại khả năng sinh lý của mình”. Thứ hai, họ đinh ninh rằng mình không thể mắc bệnh được. Thứ ba, họ cho rằng bạn gái nghi ngờ mình có quan hệ “không đường hoàng”, từ đó e sợ chính việc đi khám sức khỏe, sẽ “vạch áo cho người xem lưng”, là “kẻ phá bĩnh” hạnh phúc của họ. “Vấn đề nhận thức cũng đóng vai trò quan trọng khi người dân không có thói quen “không giống ai” này vì họ nghĩ ông bà sinh cả đàn con có ai bị sao đâu!” - ông Thể nói.
Cần quy định rõ trong pháp luật
Theo BS Nguyễn Bá Tân - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Nghệ An, đôi uyên ương nên có kế hoạch khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đám cưới diễn ra khoảng 3 - 6 tháng. Với những đôi có thời gian tìm hiểu, yêu nhau ngắn, cô dâu chú rể tương lai cần chú ý tiến hành khám kỹ. Ngoài ra, nếu dự định sinh em bé, bạn gái sẽ phải tiêm một số thuốc để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi và phải tiêm trước khi có thai khoảng từ 3 - 6 tháng. Như vậy, bạn nên kết hợp tiêm ngay trong quá trình khám sức khỏe tiền hôn nhân để nếu có bệnh, sẽ chữa trị kịp thời. Thậm chí, bác sĩ có thể đề nghị hoãn kết hôn hay có biện pháp phòng tránh thai. Thông thường phụ nữ trước khi mang thai nên đi tiêm phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viên gan A, B, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não... Để tiêm phòng trước khi mang thai, chị em có thể đến các cơ sở y tế của trung ương, thành phố, quận/huyện, các trung tâm tiêm chủng quốc tế… Các cán bộ y tế sẽ khuyên chị em nên tiêm vaccine cúm, mũi 3 trong 1, thủy đậu. Trong đó, vaccine cúm tiêm mỗi năm một lần, có thể giảm được ít nhất 70% nguy cơ bị mắc cúm trong thời gian mang thai. Mũi 3 trong 1 chỉ cần tiêm một lần cho cả đời. Còn với người nếu chắc chắn đã bị thủy đậu thì không cần tiêm vaccine này nữa.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm có: Xem xét tiền sử bệnh của hai bên, có bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền (hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu Thallasemia…), bệnh truyền nhiễm, các quan hệ huyết thống, bệnh sử gia đình. Và kiểm tra các sức khỏe chung, thăm khám cơ quan sinh dục ngoài và trong, tình trạng kinh nguyệt, xuất tinh… Ngoài ra, bạn cũng cần khám để phát hiện trước những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV/AIDS.
Hiện nay, Pháp lệnh Dân số quy định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn”. Ông Mã Ngọc Thể cho rằng, để mọi người dân biết đến điều này. Pháp luật cần quy định bắt buộc nam nữ trước khi kết hôn phải khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đây là một việc làm văn minh và rất nhiều nước đã thành phổ biến.
Đồng tình với quan điểm này, nhà xã hội học, GS Nguyễn Đình Cử (ĐH Kinh tế Quốc dân) phân tích: Nhà nước nên “bắt buộc” hay chỉ “khuyến khích” thôi? Bởi hiện nay, nhu cầu của nam, nữ trước khi kết hôn đều muốn được khám, tư vấn về sức khỏe của bản thân và bạn đời khá cao. Tuy nhiên, nhiều người còn chưa biết khám ở đâu, khám những gì. Bên cạnh đó, có những người cũng đang nghĩ có nhất thiết, bắt buộc phải khám không?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ: Tháng 1/2011, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Để điều chỉnh việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, cần luật hóa các nội dung chủ yếu quy định về quy trình, nội dung tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; nhu cầu và điều kiện của nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; điều kiện và trách nhiệm của cơ sở dịch vụ y tế thực hiện tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Home »
hôn nhân
,
khám sức khỏe
,
kiến thức y khoa
» Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Khuyến khích hay bắt buộc?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Khuyến khích hay bắt buộc?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (RSS)
0 nhận xét on Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Khuyến khích hay bắt buộc? :
Hãy cho biết ý kiến của bạn. Đừng spam!